Kế toán doanh nghiệp là bộ phận đóng vai trò quan trọng, được xem là “cánh tay đắc lực” của lãnh đạo doanh nghiệp trong công tác quản lý tình hình tài chính – kế toán. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra cái nhìn tổng quan về kế toán doanh nghiệp: Vai trò, nhiệm vụ và quy trình làm việc.
1. Kế toán doanh nghiệp là gì?
Kế toán doanh nghiệp là vị trí đảm nhận công việc thu thập, xử lý, kiểm tra và phân tích các số liệu tài chính kế toán nhằm cung cấp các thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động doanh nghiệp.
Một số vị trí kế toán phổ biến tại các doanh nghiệp hiện nay như:
- Kế toán nội bộ: Đảm nhận công việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp các báo cáo theo nhu cầu quản trị của của lãnh đạo doanh nghiệp trong nội bộ đơn vị kế toán. Hệ thống báo cáo kế toán nội bộ cung cấp sẽ giúp các nhà quản trị hay lãnh đạo doanh nghiệp kịp thời đưa ra các quyết định kinh doanh, góp phần vào sự phát triển chung của công ty.
- Kế toán thuế: Bộ phận kế toán thuế đóng vai trò quan trọng, thực hiện các công việc thu thập, xử lý, đối chiếu hóa đơn, chứng từ để theo dõi, hạch toán và lên các báo cáo thuế GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN. Cuối năm kế toán sẽ thực hiện lập báo cáo tài chính, báo cáo thuế theo đúng thời hạn quy định của cơ quan Thuế.
- Kế toán tổng hợp: Thực hiện kiểm tra, đối chiếu số liệu giữa các đơn vị nội bộ với các dữ liệu chi tiết và tổng hợp về chi phí, khấu hao, TSCĐ, công nợ và nghiệp vụ khác để định khoản các nghiệp vụ phát sinh.
- Kế toán kho hàng: Kế toán kho hàng chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hóa đơn, chứng từ trước khi thực hiện nhập/xuất kho và thường xuyên kiểm tra việc ghi chép vào thẻ kho của thủ kho, hàng hóa vật tư trong kho, công nợ nhập -xuất hàng hóa để đảm bảo hàng hóa được quản lý hiệu quả
- Kế toán TSCĐ: Cập nhật và ghi nhận các chứng từ về TSCĐ, lập biên bản bàn giao TSCĐ cho các bộ phận trong doanh nghiệp và các ciibf tác về cập nhật tăng giảm TSCĐ
- Kế toán bán hàng: Thực hiện các báo cáo bán hàng, doanh thu và lập các phiếu doanh thu. Kế toán bán hàng cũng chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra số lượng hàng hóa, lưu trữ hóa đơn bán hàng và so sánh với hóa đơn sử dụng trước đó.
2. Vai trò và nhiệm vụ của kế toán doanh nghiệp
2.1. Vai trò của kế toán doanh nghiệp
- Giúp Doanh nghiệp theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình về quá trình sản xuất, theo dõi thị trường giúp điều hành, quản lý hiệu quả các hoạt động của doanh nghiệp
- Cung cấp các tài liệu, báo cáo phục vụ cho công tác điều hành, quản lý của doanh nghiệp theo từng giai đoạn, từ đó thúc đẩy việc thực thi các chiến lược, kế hoạch kinh doanh và sản xuất
- Hỗ trợ giám sát hoạt động, quản lý rủi ro và thực hiện bảo hiểm cho doanh nghiệp
- Hỗ trợ cung cấp các tài liệu là cơ sở pháp lý giải quyết các tranh tụng khiếu nại
- Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phát triển các mối liên kết trong doanh nghiệp, đồng thời xây dựng các mối quan hệ bền vững với khách hàng để tạo dựng thương hiệu DN hiệu quả hơn
- Cập nhật các thông tin về tài chính và các thông tin liên quan đến các cổ đông trong và ngoài công ty theo cách thức tạo dựng sự tin tưởng cao nhất từ phía đối tác dành cho doanh nghiệp
- Khi công tác kế toán được thực hiện nghiêm túc, chính xác sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu những rủi ro về gian lận trong kế toán, đảm bảo tính minh bạch và đúng quy định pháp luật
- Hỗ trợ lãnh đạo doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để từ đó đưa ra các chiến lược phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn sản xuất kinh doanh.
2.2. Nhiệm vụ của kế toán doanh nghiệp
Kế toán doanh nghiệp chịu trách nhiệm phản ánh và kiểm tra, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì vậy kế toán doanh nghiệp sẽ thực hiện các nhiệm vụ như:
- Thu nhập thông tin, số liệu kế toán và các nội dung công việc kế toán theo đúng chuẩn mực của chế độ kế toán
- Thực hiện ghi chép, tính toán, cập nhật tình hình luân chuyển và sử dụng tài sản, vật tư, tiền vốn, hàng hóa tồn kho, các khoản thu chi của doanh nghiệp
- Kiểm tra tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh, thu chi tài chính, kiểm tra và giám sát các khoản thu chi, các nghĩa vụ thanh toán nợ, kiểm tra tình hình sử dụng tài sản, nguồn hình thành tài sản và ngăn ngừa các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán
- Xây dựng các báo cáo theo quy định: Báo cáo thuế TNCN, thuế TNDN, BCTC…nộp cho cơ quan Thuế đúng hạn theo yêu cầu
- Cung cấp các số liệu, báo cáo phục vụ công tác điều hành sản xuất và kinh doanh cho lãnh đạo doanh nghiệp
3. Các công việc theo ngày, tháng, quý, năm của kế toán
Kế toán doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các công việc được giao và đảm bảo hoàn thành đúng hạn theo quy định của pháp luật. Công việc cụ thể theo ngày, tháng, quý, năm của kế toán cụ thể như sau:
3.1. Công việc kế toán cần làm đầu năm
- Kê khai và nộp thuế môn bài đầu năm: Hạn nộp thuế là 31/1
- Nộp tờ khai thuế GTGT, TNCN tháng 12 hoặc quý IV của năm trước. Hạn nộp: 20/1 (nếu kê khai theo tháng) hoặc 30/1 (nếu kê khai theo quý).
- Nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính quý IV năm trước liền kề.
- Nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý IV năm trước liền kề
- Nộp Báo cáo tài chính, Quyết toán thuế TNDN, Quyết toán thuế TNCN của năm trước liền kề với thời hạn là 31/3.
3.2. Công việc kế toán cần làm hàng ngày
- Ghi chép, thu thập, xử lý và lưu trữ các hoá đơn, chứng từ sổ sách của doanh nghiệp
- Kiểm tra tính chính xác và thực hiện hạch toán các nghiệp vụ phát sinh
- Lập phiếu thu, phiếu chi, lập hóa đơn bán hàng, phiếu xuất kho,…
3.3. Công việc kế toán cần làm hàng tháng
- Lập tờ khai thuế GTGT hàng tháng (Nếu DN kê khai thuế GTGT theo tháng)
- Lập tờ khai thuế TNCN theo tháng (Nếu DN kê khai thuế GTGT theo tháng, và có số thuế TNCN được phải nộp trong tháng).
- Lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn hàng tháng (Đối với những DN mới thành lập dưới 12 tháng).
- Đối với những hóa đơn đầu ra thì tháng nào có phát sinh phải kê vào tháng đó. Kể từ ngày 1/1/2014 những hóa đơn đầu vào không bị khống chế thời gian kê khai, nhưng phải khai trước khi Cơ quan thuế có quyết định thanh kiểm tra.
- Lập tờ khai các loại thuế khác nếu có
- Tính giá hàng tồn kho, giá vốn hàng bán
- Tính lương, bảo hiểm, các khoản phụ cấp khác cho người lao động
- Tính khấu hao TSCĐ, tính phân bổ công cụ dụng cụ
Lưu ý: Hạn nộp tờ khai là ngày 20 của tháng liền kề. Nếu trong tháng có phát sinh số tiền thuế phải nộp thì hạn nộp tờ khai cũng là hạn nộp tiền thuế
3.4. Công việc kế toán cần làm hàng quý
- Lập tờ khai thuế GTGT theo quý.
- Lập tờ khai thuế Tạm tính Thuế TNDN theo Quý.
- Lập Báo cáo tình hình sử dụng Hoá đơn theo Quý.
- Lập tờ khai thuế TNCN theo quý (nếu DN kê khai theo quý).
- Hạn nộp các tờ khai trên là ngày 30 của tháng đầu tiên của quý sau liền kề
3.5. Công việc cuối năm
- Làm báo cáo thuế.
- Lên sổ kế toán, đối chiếu sổ chi tiết: số tổng hợp: kiểm tra kê quỹ, kiểm kê kho hàng và tài sản, đối chiếu công nợ
- Xây dựng BCTC, thuyết minh BCTC, bảng cân đối kế toán
- In sổ sách, lưu chứng từ,..
| Đọc thêm: Kế toán tài chính là gì? Vai trò và nhiệm vụ của kế toán tài chính trong DN
4. Quy trình làm việc của kế toán doanh nghiệp
- Bước 1: Tổng hợp các nghiệp vụ phát sinh
Kế toán doanh nghiệp thực hiện tổng hợp các nghiệp vụ phát sinh hàng ngày từ các các phòng ban trước khi lập chứng từ gốc
- Bước 2: Lập chứng từ gốc
Kế toán lập chứng từ gốc khi phát sinh nghiệp vụ kinh tế. Đây sẽ là căn cứ pháp lý ghi nhận giao dịch sau khi kiểm tra chứng từ và phân tích các giao dịch
- Bước 3: Xử lý kiểm tra chứng từ gốc
Kế toán tổng hợp sẽ thực hiện tiếp nhận và kiểm tra tính chính xác, hợp lệ của các chứng từ trước khi chuyển lên kế toán trưởng xét duyệt. Điều này giúp doanh nghiệp hạn chế các sai sót từ các hóa đơn, chứng từ khi hạch toán các nghiệp vụ phát sinh và kê khai thuế
- Bước 4: Tiến hành ghi sổ sách kế toán
Sau khi chứng từ gốc được thiết lập hoàn chỉnh, kế toán doanh nghiệp sẽ bắt đầu nhập liệu chứng từ, làm sổ sách kế toán, ghi sổ nhật ký chung, sổ cái, sổ chi tiết,…
- Bước 5: Sắp xếp chứng từ kế toán
Kế toán khi lập xong chứng từ sẽ thực hiện sắp xếp theo thứ tự từ trước đến sau các chứng từ do kế toán lập tới các chứng từ do các phòng ban khác lập.
- Bước 6: Thực hiện bút toán cuối kỳ và bút toán kết chuyển
Một trong những công việc cuối tháng kế toán cần làm chính là thực hiện bút toán cuối kỳ và bút toán kết chuyển đồng thời khóa sổ kế toán nhằm mục đích tổng hợp dữ liệu trong một tháng và xác định số dư của tài sản, nguồn vốn và lãi lỗ trong kỳ.
- Bước 7: Khóa sổ, xác định số dư
Kế toán thực hiện khóa sổ cuối kỳ sau khi hoàn thiện bút toán, các thông tin được đưa lên sửa cái và không được thay đổi. Các số liệu này chính là căn cứ để kế toán xây dựng BCTC vào cuối năm
- Bước 8: Lập bảng cân đối số phát sinh
Bảng cân đối số phát sinh được lập dựa trên sổ cái và sổ chi tiết nhằm đánh giá tổng quan về toàn bộ sổ cái phát sinh, bao gồm những loại sổ cái nào và đã chính xác hay chưa. Trường hợp không cần sửa đổi kế toán thực hiện bút toán mở sổ cái, sổ chi tiết và kết hợp bảng cân đối phát sinh để tiến hành xây dựng BCTC
- Bước 9: Lập báo cáo tài chính, quyết toán thuế
Đối với các quy trình kế toán thì bút toán lập báo cáo tài chính, quyết toán thuế là quan trọng nhất vì nó phức tạp cần nhiều nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống cân đối… mà mà không phải bất cứ kế toán nào cũng thực hiện được tốt. Kế toán sẽ dựa vào sổ cái và sổ chi tiết để tiến hành lập BCTC.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng, xây dựng đội ngũ kế toán cũng như những hạn chế về chi phí liên quan đến chi phí trả lương, văn phòng thì việc tuyển dụng đội ngũ kế toán chuyên nghiệp thực sự là một trở ngại không hề nhỏ. Chính vì vậy, sử dụng dịch vụ kế toán tại các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp quản lý, kiểm soát các hoạt động với ngân hàng một cách dễ dàng, thuận lợi.
Để tìm hiểu thêm hàng trăm đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán uy tín và chất lượng, tự do lựa chọn đơn vị phù hợp với những tiêu chí đặt ra của doanh nghiệp thông qua nền tảng kết nối dịch vụ MISA ASP hoàn toàn miễn phí, doanh nghiệp nhấn tìm kiếm tại link dưới đây: