Cơ cấu bộ máy kế toán trong doanh nghiệp. Người lãnh đạo cao nhất phòng tài chính-kế toán là kế toán trưởng chịu trách nhiệm trước tổng giám đốc công ty về tất cả hoạt động của phòng do mình phụ trách, hỗ trợ thực hiện các khâu về kho, thuế, hàng hóa,… là các kế toán viên.
Các bạn tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ bộ máy kế toán trong công ty:
1. Kế toán trưởng
a) Nhiệm vụ điều hành :
– Có trách nhiệm quản lý chung, kiểm soát mọi hoạt động có liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán. Phải nắm được toàn bộ tình hình tài chính của công ty để tham mưu cho giám đốc ra các quyết định về chính sách và kế hoạch tài chính của công ty.
– Tổ chức công tác quản lý và điều hành, thực hiện các công việc liên quan đến lĩnh vực nghiệp vụ, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm thuộc Phòng tài chính-kế toán.
– Tổ chức công tác tài chính kế toán và bộ máy nhân sự theo yêu cầu đổi mới phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển trong từng giai đoạn.
– Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và giám sát toàn bộ công việc để kịp thời giải quyết các vướng mắc khó khăn, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ của phòng và mỗi thành viên đạt hiệu qủa cao nhất, nhận xét, đánh giá kết qủa thực hiện công việc và năng lực làm việc của từng cán bộ nhân viên để khen thưởng, động viên hoặc kỷ luật kịp thời.
– Chủ trì các cuộc họp hội, Họp đột xuất để thảo luận và giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác của phòng, của từng thành viên. Tham gia các cuộc họp giao ban, họp chuyên đề của phòng tài chính-kế toán.
– Báo cáo thường xuyên tình hình hoạt động của Phòng tài chính-kế toán cho Ban Tổng Giám Đốc Công ty; tiếp nhận; phổ biến và triển khai thực hiện kịp thời các chỉ thị của Ban Tổng Giám Đốc công ty.
b) Nhiệm vụ chuyên môn:
-
Công tác tài chính :
– Là người trực tiếp tổ chức và giám sát quá trình lập ngân quỹ vốn. Vốn của các dự án đầu tư quan trọng được chi cho các kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh và Marketing…
– Là người trực tiếp giám sát, theo dõi các nguồn vốn được tài trợ, quản trị khoản mục tiền mặt của công ty, quan hệ với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính khác, nhằm bảo đảm cho công ty thực hiện được nghĩa vụ của nó đối với các chủ đầu tư hoặc người nắm giữ cổ phiếu của công ty.
– Nghiên cứu, xây dựng hệ thống thu thập thông tin, hệ thống các báo biểu, biểu đồ; xác định phương pháp, chỉ tiêu phân tích… nhằm phân tích đánh giá hoạt động tài chính của Công ty theo định kỳ.
– Đánh giá hiệu qủa quản lý sử dụng vốn của công ty và đề xuất biện pháp nâng cao hiệu qủa quản lý và sử dụng vốn.
– Phân tích một cách chi tiết từng khoản mục chi phí của Công ty, từ đó đề xuất các biện pháp tiết giảm chi phí hiệu qủa.
– Kiểm tra, phân tích tình hình thực hiện kế hoạch tài chính đã xây dựng.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám Đốc phân công.
-
Công tác kế toán :
– Tổ chức kế toán, thống kê phù hợp với tình hình hoạt động của Công ty theo yêu cầu của từng giai đoạn, phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển chung của Công ty.
– Tổ chức cải tiến và hoàn thiện chế độ hạch toán kế toán, bộ máy kế toán thống kê theo mẫu biểu thống nhất, bảo đảm việc ghi chép, tính toán số liệu chính xác, trung thực, kịp thời và đầy đủ toàn bộ qúa trình hoạt động kinh doanh trong toàn Công ty.
– Tổ chức chỉ đạo việc kiểm kê, đánh giá chính xác tài sản cố định, công cụ dụng cụ, tiền mặt, thành phẩm, hàng hóa, từ kết qủa kiểm kê, đánh giá tình hình sử dụng và quản lý vốn cũng như phát hiện kịp thời các trường hợp làm sai nguyên tắc quản lý tài chính kế toán hoặc làm mất mát, gây hư hỏng, thiệt hại, đề ra các biện pháp xử lý và quản lý phù hợp.
– Tổ chức kiểm tra, kiểm soát các hợp đồng kinh tế của Công ty nhằm bảo vệ cao nhất quyền lợi của Công ty.
– Tổ chức đánh giá, phân tích tình hình hoạt động tài chính, kinh doanh của toàn công ty. Thông qua số liệu TCKT nâng cao hiệu qủa sử dụng vốn, tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh do các qui định tài chính không phù hợp để đẩy mạnh phát triển kinh doanh.
– Tổ chức lập kế hoạch, kiểm tra báo cáo, đánh giá công tác thực hiện kế hoạch chi phí công ty, các đơn vị phụ thuộc công ty hàng tháng, qúi, năm. Tổ chức công tác phân tích việc thực hiện chi phí, đề ra các biện pháp tiết kiệm hợp lý trên cơ sở kết qủa phân tích và đánh giá.
c) Nhiệm vụ khác :
– Tham gia kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc chấp hành các qui định, thể lệ, chính sách liên quan đến công tác tài chính kế toán do công ty qui định, nhằm ngăn ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc làm sai.
– Không ngừng nâng cao kiến thức kỹ năng nghiệp vụ quản lý TCKT, nghiên cứu sâu sát hoạt động của các bộ phận để cải tiến và hoàn thiện công tác kế toán toàn công ty, đáp ứng kịp thời đổi mới và phát triển của Công ty.
– Thực hiện các công tác, nhiệm vụ khác do Ban Giám Đốc trực tiếp phân công
2. Kế toán tổng hợp :
– Tập hợp các số liệu từ kế toán chi tiết tiến hành hạch toán tổng hợp, lập các báo biểu kế toán, thống kê, tổng hợp theo qui định của nhà nước và Công ty.
– Kiểm tra, tổng hợp báo cáo của các chi nhánh, đơn vị thành viên, bảo đảm tính chính xác, kịp thời phục vụ cho công tác phân tích tình hình hoạt động kinh doanh toàn Công ty.
– Kiểm tra, kiểm soát, giám sát, tự kiểm tra nội bộ, hậu kiểm tình hình hoạt động tài chính của chi nhánh, kiểm tra việc chấp hành các qui định ghi chép sổ sách, chứng từ quản lý tiền hàng.
– Kiểm tra nội dung, số liệu, định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh hằng ngày của các kế toán phần hành thực hiện trên máy, để phát hiện và hiệu chỉnh kịp thời các sai sót ( nếu có) về nghiệp vụ hạch toán, đảm bảo số liệu chính xác, kịp thời.
– Lập, in các báo cáo tổng hợp, báo cáo chi tiết các tài khoản, bảng cân đối tài khoản, báo cáo cân đối tiền hàng theo đúng qui định.
– Phối hợp kiểm tra các khoản chi phí sử dụng theo kế hoạch được duyệt, tổng hợp phân tích chỉ tiêu sử dụng chi phí, doanh thu của công ty bảo đảm tính hiệu qủa trong việc sử dụng vốn.
– Hướng dẫn nghiệp vụ cho các phần hành kế toán của công ty và các chi nhánh trong công tác xử lý số liệu, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh để thực hiện tốt phần hành kế toán được phân công. Kiểm tra, hiệu chỉnh nghiệp vụ cho các kế toán viên nắm rõ cách thức hạch toán đối với các phát sinh mới về nghiệp vụ hạch toán kế toán.
– Cung cấp các số liệu kế toán, thống kê cho Kế toán trưởng và Ban Giám Đốc khi được yêu cầu.
– Không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ đặc biệt là lĩnh vực kế toán quản trị để nhằm đáp ứng tốt công tác quản lý tài chính kế toán và đạt hiệu qủa cao nhất.
– Thay mặt kế toán trưởng khi kế toán trưởng vắng mặt giải quyết, điều hành hoạt động của Phòng tài chính-kế toán sau đó báo cáo lại Kế toán trưởng các công việc đã giải quyết hoặc được ủy quyền giải quyết.
– Thực hiện công tác lưu trữ số liệu, sổ sách, báo cáo liên quan đến phần hành phụ trách đảm bảo an toàn, bảo mật.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác do Kế toán trưởng phân công.
3. Kế toán thanh toán
- Lập chứng từ thu- chi cho các khoản thanh toán của công ty đối với khách hàng và các khoản thanh toán nội bộ. Phản ánh vào các sổ sách liên quan đến phần hành kế toán hàng ngày và đối chiếu với sổ quỹ
- Kiểm tra tồn quỹ tiền mặt, tiền gửi ngân hàng của công ty hàng ngày và cuối tháng. Theo dõi các khoản tạm ứng.
- Tiếp nhận các chứng từ thanh toán và kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của chứng từ
- Cập nhật các qui định nội bộ về tiền đang chuyển, tiền gửi ngân hàng
- Kiểm tra, tổng hợp quyết toán toàn công ty về tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển, các khoản tạm ứng, lương, BHXH, BHYT, chênh lệch tỷ giá
- Thực hiện các nhiệm vụ do kế toán trưởng phân công
- Thực hiện lưu trữ chứng từ, sổ sách, các công văn, qui định có liên quan vào hồ sơ nghiệp vụ
4. Kế toán thuế
Thu thập các Hóa đơn chứng từ đầu ra/ đầu vào làm căn cứ kê khai thuế hàng tháng/quý/quyết toán thuế cuối năm: Báo cáo về thuế GTGT, TNDN, Thuế TNCN, Tình hình sử dụng Hóa đơn. Lập Báo cáo Tài chính cuối năm.
5. Kế toán tiền lương
Tính lương và trả lương theo Quy định của cty dựa trên Bảng chấm công, Hợp đồng lao động.
6. Kế toán kho
Theo dõi tình hình biến động Nhập – xuất của vật tư, hàng hóa. kiểm kê và quản lý tài sản trong kho.
7. Kế toán hàng hóa vật tư
- Theo dõi tình hình nhập –xuất – tồn kho vật tư, sản phẩm, hàng hoá về mặt số lượng và giá trị tại các kho của công ty
- Định kỳ phải đối chiếu số lượng với thủ kho và lập bảng tổng hợp nhập- xuất – tồn kho sản phẩn, vật tư, hàng hoá vào cuối tháng
- Theo dõi tình hình tăng, giảm, tồn kho các loại vật tư
8. Kế toán thu – chi
Theo dõi kiểm soát các hoạt động tăng, giảm tiền và kiểm soát tồn tiền tại quỹ tiền mặt và tại ngân hàng. Lập báo cáo thu chi gửi giám đốc
9. Kế toán công nợ
- Có nhiệm vụ theo dõi các khoản công nợ phải thu, phải trả của khách hàng. Lập danh sách khoản nợ của các công ty, đơn vị khách hàng để sắp xếp lịch thu, chi trả đúng hạn, đúng hợp đồng, đúng thời hạn, đôn đốc, theo dõi và đòi các khoản nợ chưa thanh toán
- Phân tích tình hình công nợ, đánh gía tỷ lệ thục hiện công nợ, tính tuổi nợ
- Kiểm tra công nợ phải thu, phải trả của công ty
- Thực hiện các nhiệm vụ do kế toán trưởng phân công
- Thực hiện lưu trữ các chứng từ , sổ sách, các công văn qui định có liên quan vào hồ sơ nghiệp vụ
10. Kế toán bán hàng
Lập Hóa đơn bán hàng, theo dõi và tổng hợp số lượng hàng bán được để lập các Báo cáo về tình hình bán hàng, Tình hình tăng giảm của hàng hóa theo yêu cầu quản lý doanh nghiệp
Trường hợp Doanh nghiệp chưa bố trí được người có đủ điều kiện đảm nhiệm vị trí kế toán trưởng thì có thể hoặc thuê kế toán trưởng hoặc bổ nhiệm người Phụ trách Kế toán và thời gian phụ trách không quá 1 năm. (Theo Điều 37-Nghị định 129/2004 hướng dẫn Luật kế toán)
Điều kiện để làm kế toán trưởng: có chứng chỉ kế toán trưởng: tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán từ bậc trung cấp trở lên và có thời gian công tác thực tế: tốt nghiệp Đại học Tối thiểu là 2 năm trở lên. Tối thiểu là 3 năm trở lên kể từ ngày ghi trên bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc cao.
Thông thường các công ty đều có phòng ban kế toán với số lượng nhân viên tùy thuộc vào quy mô của DN. Song vẫn có nhiều doanh nghiệp thiếu bộ máy kế toán hoặc bộ máy kế toán chưa hoàn chỉnh cần tìm người có chuyên môn cao, kinh nghiệm để làm kế toán dịch vụ trọn gói hoặc hỗ trợ kiểm tra, rà soát dữ liệu đảm bảo chính xác trước khi nộp cho CQT, hỗ trợ công tác tài chính – kế toán.
Việc sử dụng và thuê kế toán dịch vụ có trình độ, chuyên môn cao được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tinh gọn bộ máy kế toán trong doanh nghiệp, tiết kiệm nhiều khoản chi phí. Hơn hết, kế toán dịch vụ hỗ trợ công tác tài chính kế toán hiệu quả, nhanh gọn.
ASP.MISA.VN là Nền tảng kế toán dịch vụ giúp kết nối Doanh nghiệp với các cá nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ kế toán uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc. ASP.MISA.VN cung cấp các công cụ làm việc hữu ích giúp Kế toán dịch vụ nâng cao năng suất làm việc. Đồng thời, giúp chủ doanh nghiệp nắm bắt các số liệu về tình hình tài chính kế toán mọi lúc mọi nơi.
Mời Doanh nghiệp trải nghiệm ngay nền tảng kết nối kế toán dịch vụ ASP tại website: https://asp.misa.vn/
>> Dịch vụ Kế Toán (Báo Cáo Thuế) Trọn Gói Uy tín nhất hiện nay