Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ phận kế toán và có vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Vậy kế toán trưởng làm những gì? Quyền và trách nhiệm với công ty ra sao? Mức lương kế toán trưởng như thế nào? Hãy cùng tham khảo chi tiết dưới đây:
1. Kế toán trưởng là gì?
Theo khoản 1 điều 53 luật kế toán 2015 (số 88/2015/QH13) giải thích khái niệm kế toán trưởng như sau:
“Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của đơn vị có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán.”
Như vậy, ta có thể hiểu đơn giản như sau:
Kế toán trưởng là người đứng đầu cả bộ phận kế toán, chịu trách nhiệm quản lý và điều hành mọi hoạt động kế toán từ: định khoản, ghi sổ, lập báo cáo tài chính đến các việc như lập kế hoạch tài chính, phân tích tài chính và tư vấn đưa ra các quyết định tài chính.
Trong tiếng anh, kế toán trưởng được viết bởi Chief Account. Ở các công ty lớn, kế toán trưởng làm việc dưới chỉ đạo của của giám đốc tài chính (CFO).
Xem thêm: Điều kiện để đảm nhiệm vị trí kế toán trưởng
2. Trách nhiệm và quyền của kế toán trưởng
Theo khoản 1 điều 55 luật kế toán 2015 (số 88/2015/QH13), quy định trách nhiệm của kế toán trưởng gồm:
a) Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trong đơn vị kế toán;
b) Tổ chức điều hành bộ máy kế toán theo quy định của Luật này;
c) Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.
Tại khoản 2 và 3 điều 55 luật kế toán 2015, quyền của kế toán trưởng như sau:
- Kế toán trưởng có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.
- Đối với Kế toán trưởng của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, ngoài các quyền quy định tại khoản 2 Điều này còn có các quyền sau đây:
-
- Có ý kiến bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán về việc tuyển dụng, thuyên chuyển, tăng lương, khen thưởng, kỷ luật người làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ;
-
- Các bộ phận liên quan trong đơn vị kế toán cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu liên quan đến công việc kế toán và giám sát tài chính của kế toán trưởng;
-
- Bảo lưu ý kiến chuyên môn bằng văn bản khi có ý kiến khác với ý kiến của người ra quyết định;
-
- Báo cáo bằng văn bản cho người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị; trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.
Xem thêm: Doanh nghiệp có bắt buộc phải có kế toán trưởng không?
3. Mô tả công việc kế toán trưởng
Tùy vào từng quy mô doanh nghiệp, đặc thù trong lĩnh vực hoạt động hoặc loại hình doanh nghiệp mà mô tả công việc của kế toán trưởng có thể khác nhau. Tuy nhiên, kế toán trưởng sẽ đảm nhận các công việc chung sau:
3.1. Mẫu mô tả công việc chung của kế toán trưởng
a, Chịu trách nhiệm quản lý bộ phận kế toán của công ty
Kế toán trưởng cần phải quản lý và điều hành phòng kế toán hoạt động trơn tru, cụ thể các công việc như sau:
- Điều hành hoạt động kế toán và phân công công việc cho nhân viên.
- Thiết lập, cải tiến quy trình kế toán chuẩn, áp dụng công nghệ để tối ưu hiệu suất công việc và tuân thủ pháp luật.
- Đánh giá và phân loại hiệu quả làm việc của nhân viên trong phòng kế toán.
- Tham gia tuyển dụng, phỏng vấn, đào tạo và bồi dưỡng nhân viên kế toán cho doanh nghiệp.
b, Đảm bảo sổ sách kế toán chính xác và hợp pháp
Kế toán trưởng chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác và minh bạch của sổ sách kế toán, đảm bảo tuân thủ pháp luật:
- Kiểm soát số liệu kế toán: đối chiếu số liệu kế toán từ các nguồn (hóa đơn, chứng từ, ngân hàng) để đảm bảo không bị sai lệch.
- Hạch toán thuế và chi phí: Tính toán và kê khai các loại thuế (GTGT, TNDN, TNCN) đảm bảo nộp thuế đúng hạn. Kế toán trưởng cũng chịu trách nhiệm tính giá thành sản phẩm, lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhân viên.
- Quản lý công nợ: Theo dõi công nợ phải thu, phải trả, làm việc với nhà cung cấp và khách hàng để đối chiếu công nợ định kỳ.
- Lưu trữ chứng từ: Đảm bảo hóa đơn, chứng từ được lưu trữ đúng quy định.
- Xử lý sai sót: Phát hiện và sửa chữa các lỗi trong sổ sách kế toán.
c, Giám sát hoạt động quyết toán tài chính
Kế toán trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra và đánh giá các hoạt động tài chính vào cuối kỳ:
- Kiểm kê tài sản: Tổ chức kiểm kê tài sản, hàng tồn kho, và dòng tiền vào cuối tháng, quý hoặc năm.
- Đánh giá thu chi: Phân tích các khoản thu chi để xác định hiệu quả sử dụng vốn.
- Làm việc với cơ quan thuế: Chuẩn bị tài liệu, giải trình khi cơ quan thuế kiểm tra. Kế toán trưởng đại diện doanh nghiệp làm việc với chi cục thuế về các vấn đề như hoàn thuế, hoặc điều chỉnh sai sót.
- Đề xuất tối ưu chi phí: Phân tích dữ liệu tài chính tiến hành đề xuất cắt giảm các chi phí không cần thiết, tối ưu hóa chi phí vận hành.
d, Lập và phân tích báo cáo tài chính
Công việc quan trọng bậc nhất của kế toán trưởng là tiến hành lập và phân tích báo cáo tài chính:
- Thu thập dữ liệu từ các bộ phận (bán hàng, sản xuất, nhân sự) để lập báo cáo tài chính quý, năm.
- Tiến hành lập báo cáo tài chính với các bao cáo như: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
- Tiến hành phân tích báo cáo tài chính với các chỉ số tài chính như ROE, ROA để tư vấn cho ban lãnh đạo công ty.
- Thuyết trình báo cáo tài chính trước ban lãnh đạo hoặc cổ đông, giải thích số liệu và đề xuất chiến lược tài chính.
e, Tham mưu và hỗ trợ chiến lược cho doanh nghiệp
Kế toán trưởng cần hỗ trợ ban lãnh đạo công ty trong việc đưa ra quyết định:
- Phân tích xu hướng thị trường, dữ liệu nội bộ để đưa ra dự báo ngân sách, rủi ro tài chính.
- Đánh giá tính khả thi của các dự án đầu tư, như mở rộng nhà máy hoặc mua thiết bị mới.
- Quản lý dòng tiền để đảm bảo doanh nghiệp có đủ thanh khoản duy trì hoạt động.
- Tiến hành làm việc với ngân hàng để đàm phán vay vốn, quản lý tín dụng hoặc mở tài khoản thanh toán.
Tìm hiểu thêm: Chứng chỉ kế toán trưởng là gì?
3.2. Ví dụ mô tả công việc kế toán trưởng trong thực tế
Trong thực tế, mô tả công việc của kế toán trưởng sẽ tập trung nhiều vào các yêu cầu đặc thù của doanh nghiệp trong các thông tin tuyển dụng. Ví dụ:
- Với công ty có chuỗi cửa hàng thì yêu cầu đặc biệt kế toán trưởng cần kiểm soát giá vốn hàng bán, chi phí hoạt động và lợi nhuận từng điểm bán.
- Đối với doanh nghiệp bán hàng thương mại điện tử thì yêu cầu kế toán trưởng cần am hiểu các quy định về kế toán tài chính đối với các công ty bán hàng có doanh thu lớn trên các sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiktok, Tiki.
Dưới đây là ví dụ mô tả công việc kế toán trưởng trên các trang tuyển dụng lớn:

4. Mức lương kế toán trưởng là bao nhiêu?
Mức lương kế toán trưởng tương đối cao dao động từ 20 – 50 triệu VNĐ trên 1 tháng. Mức lương cụ thể của kế toán trưởng còn phụ thuộc vào quy mô, ngành nghề của doanh nghiệp, kinh nghiệm của kế toán trưởng.
- Với doanh nghiệp vừa và nhỏ: Mức lương kế toán trưởng dao động từ 15 triệu đến 40 triệu VNĐ/tháng.
- Với doanh nghiệp lớn: Mức lương kế toán trưởng cao từ 40 – 80 triệu VNĐ/tháng.
- Nhiều doanh nghiệp còn tính thêm các phụ cấp, thưởng KPI thêm cho kế toán trưởng.
- Một cá nhân có thể làm kế toán trưởng tại nhiều đơn vị. Do đó, thu nhập của kế toán trưởng rất cao.
Dưới đây là hình ảnh thực tế cho thấy mức lương kế toán trưởng trên các trang tuyển dụng hiện tại:

Tạm kết:
Trên đây là các điều cơ bản cần biết về kế toán trưởng từ trách nhiệm, quyền, mô tả công việc và mức lương hiện nay. Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vị trí kế toán trưởng trong doanh nghiệp. Để tìm hiểu chi tiết hơn về “kế toán trưởng”, hãy tham khảo thêm các bài viết sau: