Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Dành cho khách hàng
0 lượt xem

Không đơn thuần là lực lượng chiếm tỷ trọng lớn về số lượng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được đánh giá là mảnh đất màu mỡ của đổi mới, sáng tạo và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Với vai trò đó, các chính sách hỗ trợ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ là giải pháp ngắn hạn vượt qua khó khăn mà còn là chìa khóa mở rộng không gian phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân – một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Bài viết này sẽ tổng hợp và cung cấp những thông tin đầy đủ, chi tiết nhất về những chính sách mới nhất 2025.

1. Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xác định dựa trên ba yếu tố: số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bình quân năm, tổng doanh thu năm hoặc tổng nguồn vốn năm, và được phân loại theo lĩnh vực hoạt động. Cụ thể:

Doanh nghiệp nhỏ

– Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng:

  • Lao động BHXH bình quân năm: Không quá 100 người
  • Tổng doanh thu năm: Không vượt quá 50 tỷ đồng hoặc
  • Tổng nguồn vốn năm: Không vượt quá 20 tỷ đồng

– Lĩnh vực thương mại, dịch vụ:

  • Lao động BHXH bình quân năm: Không quá 50 người
  • Tổng doanh thu năm: Không vượt quá 100 tỷ đồng hoặc
  • Tổng nguồn vốn năm: Không vượt quá 50 tỷ đồng

Doanh nghiệp vừa

– Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng:

  • Lao động BHXH bình quân năm: Không quá 200 người
  • Tổng doanh thu năm: Không vượt quá 200 tỷ đồng hoặc
  • Tổng nguồn vốn năm: Không vượt quá 100 tỷ đồng

– Lĩnh vực thương mại, dịch vụ:

  • Lao động BHXH bình quân năm: Không quá 100 người
  • Tổng doanh thu năm: Không vượt quá 300 tỷ đồng hoặc
  • Tổng nguồn vốn năm: Không vượt quá 100 tỷ đồng

Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay

2. 06 chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị quyết 198/2025/QH15

Nhằm cụ thể hóa chủ trương tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025, đưa ra nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, tập trung vào tạo môi trường thuận lợi, giảm gánh nặng chi phí, mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn lực và thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Dưới đây là 06 nhóm chính sách ưu đãi nổi bật:

– Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 03 năm đầu thành lập

Một trong những hỗ trợ thiết thực nhất được quy định tại khoản 4 Điều 10 của Nghị quyết 198 là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 03 năm đầu đối với DNNVV, tính từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hưởng các chính sách ưu đãi khác về thuế, phí và lệ phí như:

  • Chấm dứt thu lệ phí môn bài kể từ ngày 01/01/2026. Đây là thay đổi quan trọng giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí hành chính thường niên.
  • Miễn thu lệ phí đối với các giấy tờ cấp lại, cấp đổi trong trường hợp thực hiện tái cấu trúc, sắp xếp lại tổ chức theo quy định pháp luật.

– Ưu tiên DNNVV trong đấu thầu dự án sử dụng ngân sách nhà nước

Tại Điều 11, Nghị quyết 198 đưa ra chính sách ưu tiên rõ ràng trong công tác mua sắm công. Cụ thể:

  • Các gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa hoặc gói thầu hỗn hợp có giá trị không quá 20 tỷ đồng, sử dụng ngân sách nhà nước, được ưu tiên dành cho DNNVV tham gia.
  • Đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp do phụ nữ, thanh niên, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, hoặc có địa điểm hoạt động tại miền núi, biên giới, hải đảo.
  • Trong trường hợp đã tổ chức đấu thầu nhưng không có DNNVV đáp ứng điều kiện, có thể tổ chức lại gói thầu mà không áp dụng ràng buộc ưu tiên này.

Chính sách này góp phần giúp DNNVV mở rộng thị trường, gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng công và thúc đẩy cạnh tranh công bằng.

– Miễn phí phần mềm kế toán, hỗ trợ tư vấn và tăng chi phí được khấu trừ khi đổi mới sáng tạo

Điều 12 của Nghị quyết đề ra nhiều hỗ trợ đáng chú ý trong lĩnh vực kế toán – thuế và chuyển đổi số:

  • Cung cấp miễn phí nền tảng kế toán số, phần mềm kế toán dùng chung, áp dụng cho DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
  • Nhà nước bố trí kinh phí để hỗ trợ dịch vụ tư vấn về kế toán và thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và quản trị tài chính hiệu quả hơn.
  • Về khuyến khích đổi mới sáng tạo và R&D, doanh nghiệp được hưởng thêm các ưu đãi:
  • Được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế TNDN để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
  • Chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được tính gấp đôi (200%) khi xác định thu nhập chịu thuế.

– Hỗ trợ tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất, đặc biệt trong khu công nghiệp

Theo Điều 7, Nhà nước tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận mặt bằng sản xuất thông qua các biện pháp hỗ trợ cụ thể:

  • Các địa phương được phép dùng ngân sách để đầu tư hạ tầng khu/cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, bao gồm: thu hồi đất, tái định cư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
  • Chủ đầu tư hạ tầng bắt buộc dành quỹ đất cho DNNVV, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê/thuê lại, và không bị áp dụng quy định về quản lý tài sản công đối với tài sản hình thành từ vốn hỗ trợ.
  • Đặc biệt, với các khu/cụm công nghiệp thành lập sau ngày Nghị quyết có hiệu lực, UBND cấp tỉnh cần bố trí tối thiểu 20ha/khu hoặc 5% diện tích đất để dành riêng cho DNNVV, DN công nghệ cao hoặc DN khởi nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp này được giảm ít nhất 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu, khoản này sẽ được nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư hạ tầng.

– Hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng: Căn cứ Điều 8, DNNVV, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ thuê nhà, đất thuộc tài sản công chưa sử dụng tại địa phương. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công bố danh mục tài sản công cho thuê, đồng thời xây dựng tiêu chí, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục và hình thức hỗ trợ cụ thể, đảm bảo công khai và minh bạch trên cổng thông tin điện tử của địa phương.

– Ưu đãi tín dụng từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa:

Tại Điều 9, Nghị quyết 198 khẳng định vai trò trung tâm của Quỹ Phát triển DNNVV trong hỗ trợ tài chính và đầu tư cho khối doanh nghiệp này. Quỹ được giao các nhiệm vụ:

  • Cho vay trực tiếp đối với DNNVV và các dự án khởi nghiệp sáng tạo
  • Tài trợ vốn ban đầu cho các mô hình khởi nghiệp, dự án xây dựng vườn ươm
  • Đầu tư vào các quỹ đầu tư địa phương hoặc tư nhân nhằm mở rộng nguồn cung tài chính
  • Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn viện trợ, tài trợ, đóng góp trong và ngoài nước, phục vụ mục tiêu hỗ trợ DNNVV phát triển

Việc sử dụng công cụ tài chính công như Quỹ Phát triển DNNVV giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận vốn – một rào cản cố hữu lâu nay của nhóm doanh nghiệp này.

Tạm kết:

Thúc đẩy sự lớn mạnh bằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ là điều cần thiết. Việc cập nhật và hiểu rõ những chính sách này cũng giúp các DNVVN có thể tận dụng cơ hội phát triển. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi vừa cung cấp qua bài viết sẽ đem lại nhiều giá trị hữu ích cho bạn đọc.

Đăng ký nhận tư vấn miễn phí từ
MISA ASP

MISA ASP là Nền tảng kế toán dịch vụ giúp các Doanh nghiệp, Hộ kinh doanh, Cá nhân kinh doanh tìm kiếm các Tổ chức cung ứng dịch vụ kế toán uy tín, chất lượng, chuyên nghiệp trên toàn quốc.
Đăng ký nhận tư vấn miễn phí từ MISA ASP
Họ và tên *
Số điện thoại *
Email
Nơi làm việc của bạn? *
Nội dung cần tư vấn
Chi tiết
Bằng cách nhấn vào nút Nhận tư vấn miễn phí, bạn đã đồng ý với Chính sách quyền riêng tư của MISA
Liên hệ hỗ trợ
0979.409.132
call
zalo mess