Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 40% GDP và tạo ra hơn 80% việc làm trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do gặp nhiều rào cản về thể chế, khó khăn trong tiếp cận tín dụng, đất đai và hạn chế về năng lực đổi mới công nghệ. Nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn đó, ngày 17/5/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP, triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội. Đây là bước đi cụ thể nhằm thiết lập các cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đòn bẩy để khu vực kinh tế tư nhân phát triển hơn nữa trong giai đoạn tới.
1. Tại sao cần nhiều chính sách đặc biệt cho kinh tế tư nhân?
Kinh tế tư nhân ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nhưng vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng, đất đai, công nghệ và thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân còn đang đối mặt với nhiều rào cản:
- Chi phí tuân thủ pháp luật cao, thủ tục hành chính phức tạp
- Hệ thống điều kiện kinh doanh còn chồng chéo, thiếu tính ổn định
- Khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ công nghệ, đổi mới sáng tạo hoặc thiếu năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn liên kết chuỗi giá trị.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nếu không có cơ chế, chính sách đặc biệt, khu vực tư nhân sẽ khó có thể phát triển lên tầm cao mới. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có một khuôn khổ chính sách:
- Cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân thông qua cải cách thể chế, giảm rào cản gia nhập và vận hành thị trường
- Tạo môi trường cạnh tranh công bằng, đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng đến các nguồn lực công
- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dài hạn, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Với những thực trạng trên, Chính phủ ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP nhằm trực tiếp giải quyết những điểm nghẽn này, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển thực chất và đóng vai trò ngày càng rõ nét trong chiến lược tăng trưởng quốc gia.
2. 05 trụ cột chính sách nổi bật của Nghị quyết 139/NQ-CP
Nghị quyết 139/NQ-CP đề ra kế hoạch triển khai Nghị quyết 198/2025/QH15 với 5 nhóm chính sách trọng tâm nhằm tháo gỡ rào cản, tạo môi trường thuận lợi và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thực chất.
Gỡ bỏ rào cản thể chế và điều kiện kinh doanh
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:
- Rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, hoàn thành chậm nhất ngày 31/12/2025.
- Giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh, đồng thời tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
- Ứng dụng triệt để chuyển đổi số nhằm cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực như đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn…
Ưu đãi tài chính, thuế và tín dụng
- Hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
- Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong những năm đầu hoạt động.
- Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất: Các địa phương phải dành ít nhất 20ha hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư hạ tầng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê.
Khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua các quỹ hỗ trợ, vườn ươm, và các chương trình kết nối thị trường.
- Tài trợ nghiên cứu phát triển (R&D), kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học nhằm nâng cao năng lực công nghệ.
- Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và tài chính.
Phát triển nguồn nhân lực và chuỗi liên kết
- Đào tạo nhân lực công nghệ cao: Chính phủ khuyến khích các chương trình đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho lao động trong doanh nghiệp tư nhân.
- Chính sách hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước, nhằm tạo ra mạng lưới sản xuất – cung ứng chặt chẽ hơn.
Cơ chế phản hồi nhanh và xử lý vướng mắc
- Thiết lập kênh tiếp nhận phản ánh chính sách từ doanh nghiệp: Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thiết lập hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách.
- Giao rõ trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương trong việc xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, đảm bảo phản ứng chính sách kịp thời và thực chất hơn với thực tiễn của doanh nghiệp.
3. Doanh nghiệp tư nhân cần làm gì?
Để tận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc biệt được đề ra trong Nghị quyết 139/NQ-CP, doanh nghiệp tư nhân cần chủ động và tích cực thực hiện một số hành động trọng tâm sau:
- Chủ động cập nhật chính sách: Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về các chính sách, cơ chế mới được triển khai từ Nghị quyết 139/NQ-CP để hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đồng thời kịp thời ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Tham gia đóng góp ý kiến: Tham gia phản ánh, góp ý chính sách qua các kênh chính thống như VCCI, hiệp hội ngành nghề, để tiếng nói của doanh nghiệp tư nhân được lắng nghe và chính sách ngày càng hoàn thiện, sát thực tiễn hơn.
- Tăng cường năng lực nội tại: Tập trung nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
- Tận dụng tối đa chính sách ưu đãi: Chủ động khai thác các ưu đãi về thuế, vốn tín dụng, hỗ trợ đổi mới sáng tạo để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Tạm kết:
Nghị quyết 139/NQ-CP không chỉ là một văn bản hành chính mà là cam kết chính trị rõ ràng của Chính phủ trong việc thúc đẩy khu vực tư nhân trở thành trụ cột của nền kinh tế. Với sự đồng hành chính sách mạnh mẽ và trách nhiệm hành động từ cả doanh nghiệp và Nhà nước, kinh tế tư nhân Việt Nam có thể bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc.