ACCA là gì? Có nên học chứng chỉ ACCA không? Mọi thứ cần biết

Kỹ năng nghề nghiệp
0 lượt xem

Để kiếm được công việc với thu nhập cao, cơ hội làm việc tại các công ty lớn, quốc tế thì chứng chỉ ACCA là sự lựa chọn mà nhiều kế toán theo đuổi và lựa chọn. Vậy ACCA là chứng chỉ gì? Có nên học ACCA không? Chi phí, thời gian học và điều khi thi như thế nào? Hãy tìm hiểu mọi thứ cần biết về chứng chỉ này cùng MISA ASP sau đây:

1. ACCA là chứng chỉ gì?

ACCA là chứng chỉ kế toán quốc tế được công nhận và cấp bởi Hiệp Hội Kế Toán Viên Công Chứng Anh Quốc (ACCA). Đây là chứng chỉ đánh giá uy tín bậc nhất và được công nhận trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

hình ảnh chứng chỉ kế ACCA

ACCA là viết tắt của từ gì?

ACCA là viết tắt của từ Association of Chartered Certified Accountants, nghĩa là Hiệp Hội Kế Toán Viên Công Chứng. Đây là tên viết tắt của hiệp hội ACCA và cũng là tên của chứng chỉ ACCA do tổ chức này cung cấp.

ACCA đã được thành lập hơn 100 năm và tính đến thời điểm hiện tại, ACCA đã có hơn 500.000 học viên và 208.000 hội viên trên 180 quốc gia.

Ảnh minh họa chứng chỉ ACCA

2. Lợi ích khi sở hữu chứng chỉ ACCA?

Chứng chỉ ACCA được coi như là phiếu thông hành trong lĩnh vực kế toán, tài chính. Khi sở hữu và trở thành hội viên ACCA, chắc chắn bạn sẽ đạt được rất nhiều lợi ích, cụ thể:

(1) Tăng cơ hội thăng tiến và mức lương

Theo ACCA Global Salary Survey (2024), các chuyên gia ACCA có mức lương trung bình cao hơn 25-40% so với những người không có chứng chỉ trong cùng lĩnh vực.

Tại Việt Nam, theo khảo sát của FTMS Vietnam (2024), mức lương của các chuyên gia ACCA dao động từ 30-70 triệu VND/tháng cho các vị trí quản lý, cao hơn 20-35% so với đồng nghiệp không có chứng chỉ.

(2) Mở rộng cơ hội làm việc tại các công ty lớn, quốc tế

Theo ACCA Global (2024), hơn 60% ACCA members làm việc tại các công ty đa quốc gia, với 25% đảm nhận các vị trí cấp cao tại các thị trường quốc tế như Singapore, UAE, hoặc Anh.

Các công ty lớn tập đoàn đa quốc gia, hoặc công ty kiểm toán Big 4 (Deloitte, PwC, EY, KPMG) đều coi chứng chỉ ACCA là điểm cộng nổi bật trong tuyển dụng.

Lợi ích chứng chỉ ACCA

(3) Phát triển kỹ năng kế toán, tài chính toàn diện

Chương trình ACCA bao gồm 13 môn thi (F1-F9, SBL, SBR, và 2 môn tự chọn), cung cấp kiến thức sâu rộng về kế toán tài chính, kế toán quản trị, kiểm toán, thuế, quản lý tài chính, và chiến lược kinh doanh.

3. ACCA có những môn gì?

Chương trình ACCA có tổng cộng 15 môn học và được chia thành 3 cấp độ với tổng cộng 13 môn thi được thiết kế để xây dựng kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, kết hợp cả lý thuyết và thực tiễn:

  • Cấp độ 1: Applied Knowledge – kiến thức, gồm 3 môn thi từ (F1 – F3).
  • Cấp độ 2: Applied Skills – Kỹ năng, gồm 6 môn thi (F4 – F9).
  • Cấp độ 3: Strategic Professional – Chuyên môn, gồm 4 môn thi ( 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong 4 môn).

Dưới đây chi tiết nội dung các môn học:

Cấp độ Môn thi Nội dung Định dạng thi Vị trí công việc sau khi học xong
Applied Knowledge F1: Business and Technology (BT) Giới thiệu về cấu trúc kinh doanh, quản trị, và vai trò của kế toán trong tổ chức. Bao gồm các chủ đề như quản trị doanh nghiệp (corporate governance), đạo đức nghề nghiệp, môi trường kinh doanh, và tác động của công nghệ đến kế toán. 100% câu hỏi trắc nghiệm (MCQs), thời gian 2 giờ. – Sổ sách và chi phí trong doanh nghiệp SMEs.

– Vị trí tập sự kế toán, kiểm toán trong các đơn vị dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán.

– Hành chính tại phòng tài chính kế toán.

F2: Management Accounting (MA) Các kỹ thuật kế toán quản trị như lập ngân sách, tính giá thành, phân tích chênh lệch (variance analysis), và hỗ trợ ra quyết định kinh doanh. 100% MCQs, thời gian 2 giờ
F3: Financial Accounting (FA) Các nguyên tắc kế toán tài chính, lập báo cáo tài chính (bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh), và áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). 100% MCQs, thời gian 2 giờ.
Applied skills F4: Corporate and Business Law (LW) Khung pháp lý liên quan đến kinh doanh, bao gồm luật công ty, hợp đồng, quản trị doanh nghiệp, và đạo đức trong kinh doanh. 100% MCQs, thời gian 2 giờ. – Kế toán viên.

– Kiểm toán viên.

– Kiểm toán viên nội bộ.

– Thuế.

– Tư vấn giao dịch tài chính.

– Quản lý dự án tài chính.

F5: Performance Management (PM) Các kỹ thuật đo lường và quản lý hiệu suất, bao gồm phân tích chi phí, lập ngân sách, và đánh giá KPIs (Key Performance Indicators). Kết hợp MCQs và câu hỏi dài (long-form questions), thời gian 3 giờ.
F6: Taxation (TX) Hệ thống thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp, VAT), cách tính thuế, và các quy định thuế quốc gia (tùy phiên bản TX, ví dụ: UK, Vietnam). Kết hợp MCQs và câu hỏi dài, thời gian 3 giờ.
F7: Financial Reporting (FR) Lập và phân tích báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS, bao gồm báo cáo hợp nhất và đánh giá tác động của các giao dịch phức tạp. Kết hợp MCQs và câu hỏi dài, thời gian 3 giờ.
F8: Audit and Assurance (AA) Quy trình kiểm toán, đánh giá rủi ro kiểm toán, và các tiêu chuẩn đảm bảo quốc tế. Kết hợp MCQs và câu hỏi dài, thời gian 3 giờ.
F9: Financial Management (FM) Quản lý vốn lưu động, đánh giá dự án đầu tư (NPV, IRR), và quản lý rủi ro tài chính. Kết hợp MCQs và câu hỏi dài, thời gian 3 giờ.
Strategic Professional SBL Strategic Business Leader (bắt buộc) Kỹ năng lãnh đạo chiến lược, quản trị doanh nghiệp (corporate governance), và ra quyết định trong các tình huống kinh doanh phức tạp. Bài tập tình huống tích hợp (case study) – thời gian 4 giờ – CFO

– CEO

– Quản lý cấp cao trong các bộ phận.

SBR – Strategic Business Reporting (bắt buộc) Báo cáo Kinh doanh Chiến lược Kết hợp câu hỏi dài và bài tập tình huống – thời gian 3 giờ 15 phút
AFM – P4: Advanced Financial Management (tùy chọn) Quản lý tài chính chiến lược, bao gồm sáp nhập và mua lại (M&A), định giá doanh nghiệp, và quản lý rủi ro tài chính quốc tế. Câu hỏi dài và bài tập tình huống – 3 giờ 15 phút
APM – P5: Advanced Performance Management (tùy chọn) Thiết kế và đánh giá hệ thống đo lường hiệu suất (KPIs, balanced scorecard). Câu hỏi dài và bài tập tình huống – 3 giờ 15 phút
ATX – P6: Advanced Taxation (tùy chọn) Quy định thuế phức tạp, bao gồm thuế quốc tế, thuế doanh nghiệp, và thuế cá nhân. Câu hỏi dài và bài tập tình huống – 3 giờ 15 phút
AAA – P7: Advanced Audit and Assurance Kiểm toán nâng cao, bao gồm đánh giá rủi ro kiểm toán phức tạp, kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất, và kiểm toán xuyên biên giới. Câu hỏi dài và bài tập tình huống – 3 giờ 15 phút

Nếu thí sinh có trình độ học vấn hoặc chứng chỉ chuyên môn trước, có thể được miễn tối đa tới 9 môn thi ở cấp độ Applied Knowledge (F1-F3) và Applied Skills (F4-F9). Các trường hợp miễn giảm phổ biến:

  • Nếu thí sinh có bằng cử nhân kế toán / tài chính: Miễn 3 đến 6 môn (F1 – F3 và một số môn từ F4 – F9), tùy trường đại học.
  • Nếu thí sinh có chứng chỉ CAT hoặc FIA: được miễn F1 – F3.
  • Nếu có chứng chỉ CPA, CA hoặc CIMA: được miễn tối đa 9 môn và chỉ cần thi Strategic Professional.

4. Học ACCA cần có điều kiện gì?

Để học chứng chỉ ACCA, ta cần đáp ứng một trong yêu cầu cơ bản về trình độ học vấn tối thiểu sau:

  • Hoàn thành lớp 12 (tốt nghiệp THPT).
  • Là sinh viên trường đại học/cao đẳng.
  • Có bằng cử nhân đại học, cao đẳng.
  • Có chứng chỉ chuyên môn liên quan như CAT hoặc FIA.

Ngoài ra, tuy không có quy định nhưng nếu muốn học ACCA thì bạn cũng cần có kiến thức tiếng anh nền tảng (tương đương IELTS 5.5 hoặc TOEIC 600) để hiểu và trả lời các câu hỏi thi.

điều kiện chứng chỉ ACCA

5. Ai có thể học ACCA?

Bất kỳ ai đáp ứng các điều kiện để học ACCA đều có thể học và thi chứng chỉ này. Tuy nhiên, chứng chỉ ACCA sẽ phù hợp nhất với:

  • Sinh viên tại các trường đại học về tài chính, kế toán muốn phát triển cơ hội nghề nghiệp.
  • Các nhân viên kế toán, tài chính đang đi làm muốn nâng cao kỹ năng để đạt vị trí cao và lương cao hơn.
  • Những người đang làm trong lĩnh vực liên quan đến tài chính muốn chuyển sang ngành kế toán.

6. Chi phí học ACCA

Tổng chi phí học hoàn thành tất cả các môn của ACCA sẽ dao động từ 100 triệu đến 150 triệu VNĐ. Dưới đây là các loại chi phí chi tiết:

Học phí ACCA

Mỗi khóa học ACCA trọn gói có chi phí dao động từ 50 triệu đến 70 triệu đồng. Với từng môn học chi tiết sẽ có giá theo cấp độ khác nhau:

  • Giá mỗi môn từ kiến thức (F1 – F3) dao động từ 2 triệu đến 6 triệu đồng / 1 môn.
  • Giá mỗi môn kỹ năng (F4 – F9) dao động từ 4 triệu đến 9 triệu đồng / 1 môn.
  • Giá mỗi môn chuyên môn dao động từ 10 triệu đến 17 triệu đồng / 1 môn.

Chi phí đăng ký ACCA

  • Phí mở tài khoản ACCA 89 bảng anh.
  • Phí thường niên năm đầu 54 bảng anh.
  • Phí miễn thi với môn kiến thức là 89 bảng anh / 1 môn, với môn kỹ năng là 114 bảng anh / 1 môn.

Lệ phí thi

Lệ phí thi đợt thi tháng 6 năm 2024 ACCA như sau:

  • Với các môn F4 – F9: đóng chuẩn – 142 bảng anh, đóng trễ 364 bảng anh.
  • Với môn SBR: đóng chuẩn – 252 bảng anh, đóng trễ 406 bảng anh.
  • Với các môn chuyên môn khác như: đóng chuẩn – 185 bảng anh, đóng trễ – 406 bảng anh.

7. Thời gian và kỳ thi ACCA

7.1. Học ACCA mất bao lâu?

Để hoàn thành học và thi 13 môn ACCA thì thời gian nhanh nhất cần 1.5 năm đến 2 nămcần 3 năm kinh nghiệm để trở thành hội viên của ACCA. Thời gian trung bình học 1 môn với cấp độ cơ bản cần từ 2 – 3 tháng và cấp độ chuyên môn từ 4 – 4.5 tháng.

Vì vậy thời gian vàng đẹp nhất để bắt đầu học ACCA là từ năm nhất hoặc năm 2 đại học. Nếu bạn đang định hướng theo con đường kế toán, tài chính và muốn học ACCA thì hãy bắt đầu sớm.

7.2. Thi ACCA xong bao lâu thì có kết quả?

Ngày nhận kết quả thi ACCA thường vào ngày 16 – 17 tháng liền kề sau kỳ thi hoặc có ngay với các môn thi F1 – F9 thi trên máy tính CBE.

7.3. Đăng ký thi ACCA ở đâu?

Để đăng ký thi ACCA, ta cần truy cập trực tiếp vào www.accaglobal.com và tiến hành theo hướng dẫn chi tiết tại bài viết “Hướng dẫn cách đăng ký thi ACCA” sau đây.

7.4. Mở tài khoản ACCA mất bao lâu?

Sau khi đăng ký thành công tài khoản ACCA, sẽ có Email xác nhận từ ACCA gửi về. Thông thường sẽ mất từ 5 – 7 ngày làm việc để ACCA xử lý yêu cầu mở tài khoản của bạn.

7.5. Lịch thi ACCA

ACCA tổ chức các kỳ thi vào các thời điểm cố định trong năm, bao gồm:

  • Kỳ thi tháng 3: Được tổ chức vào giữa tháng 3.
  • Kỳ thi tháng 6: Được tổ chức vào giữa tháng 6.
  • Kỳ thi tháng 9: Được tổ chức vào giữa tháng 9.
  • Kỳ thi tháng 12: Được tổ chức vào giữa tháng 12.

8. Chứng chỉ CPA và ACCA

Chứng chỉ CPA và ACCA là hai chứng chỉ rất phổ biến về kế toán và tài chính tại Việt Nam. Vậy sự khác nhau của hai chứng chỉ này như nào? Có học cả hai được không?

Phân biệt chứng chỉ ACCA và CPA

Chứng chỉ ACCA là chứng chỉ quốc tế phổ biến và công nhận tại trên 180 quốc gia, tập trung kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về kế toán, kiểm toán, thuế và tài chính.

Trong khi đó, CPA là chứng chỉ kế toán được công nhận tại nhiều quốc gia. Trong đó có Việt Nam.CPA được cấp bởi Viện Kế toán Công chứng Việt Nam và chủ yếu áp dụng trong các công ty, tổ chức tài chính trong nước. Chứng chỉ CPA chủ yếu tập trung vào các quy định, luật pháp và thực hành kế toán tại Việt Nam.

Có chứng chỉ CPA Việt Nam được miễn bao nhiêu môn ACCA?

Nếu sở hữu chứng chỉ CPA Việt Nam ta có thể được miễn 6 môn bao gồm các môn: BT, MA, FA, LW, TX và AAA.

Có nên học cả CPA và ACCA không?

Nếu bạn đã có chứng chỉ CPA Việt Nam và muốn phát triển thêm nữa thì có thể học thêm ACCA. Tuy nhiên, nếu chưa bắt đầu học chứng chỉ nào và mục tiêu của bạn hướng đến các tập đoàn lớn thì nên học ACCA luôn.

9. Bằng ACCA có thời hạn bao lâu?

Chứng chỉ ACCA có giá trị vĩnh viễn. Do đó, ta nên bắt đầu học chứng chỉ ACCA càng sớm càng tốt. Về thời thời gian lưu trữ kết quả các môn thi trong ACCA thì quy định như sau:

  • Với các môn kiến thức và kỹ năng thì không có quy định thời hạn hoàn thành.
  • Với các môn thi chuyên môn thì thí sinh phải hoàn thành 4 môn ( 2 môn bắt buộc và 2 môn tùy chọn) trong vòng 7 năm. Nếu trong 7 năm mà chưa hoàn thành thì sẽ phải thi lại số môn đã quá hạn.

10. Số người có bằng ACCA ở Việt Nam?

Với hơn 100 năm thành lập, số lượng hội viên của ACCA toàn cầu đạt 252.000 hội viên và 526.000 học viên, tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đạt 40.000 hội viên. Riêng tại Việt Nam thì có trên 1300 người sở hữu chứng chỉ ACCA.

Trong năm 2024 vừa rồi, ACCA tại Việt Nam đón chào thêm 116 hội viên mới, phần lớn đến từ các ngân hàng thương mại (theo tapchinganhang.gov.vn).

Tổng kết:

Như vậy, qua nội dung bài viết này, bạn có thể nắm tổng quát và chi tiết các nội dung đầy đủ nhất về chứng chỉ ACCA. Đây thực sự là một chứng chỉ đáng giá để đầu tư và theo đuổi với các kế toán, tài chính để đạt được sự thăng tiến trong công việc và thu nhập.

Tại Việt Nam, nhu cầu học ACCA ngày càng tăng và trở thành thị trường tiềm năng! Mong rằng bài viết này giúp bạn hiểu thấu đáo về ACCA, cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này!

Đăng ký nhận tư vấn miễn phí từ
MISA ASP

MISA ASP là Nền tảng kế toán dịch vụ giúp các Doanh nghiệp, Hộ kinh doanh, Cá nhân kinh doanh tìm kiếm các Tổ chức cung ứng dịch vụ kế toán uy tín, chất lượng, chuyên nghiệp trên toàn quốc.
Đăng ký nhận tư vấn miễn phí từ MISA ASP
Họ và tên *
Số điện thoại *
Email
Nơi làm việc của bạn? *
Nội dung cần tư vấn
Chi tiết
Bằng cách nhấn vào nút Nhận tư vấn miễn phí, bạn đã đồng ý với Chính sách quyền riêng tư của MISA
Liên hệ hỗ trợ
0979.409.132
call
zalo mess